Tội ác của ‘thần dược” phóng xạ

Đã có thời con người coi phóng xạ như một thần dược chữa bách bệnh - đó là những năm đầu thế kỷ 20. Khi đó ở Mỹ và châu Âu tràn ngập các sản phẩm tiêu dùng có bổ sung chất phóng xạ. Cơn sốt tiêu dùng phóng xạ tưởng như không có điểm dừng cho tới khi những nghi ngờ đầu tiên về tác hại của nó xuất hiện. Tuy nhiên, đến lúc đó thứ "thần dược" này đã kịp giết chết hàng nghìn người.

Những cái chết bất thường

Trong những thập kỷ 20-30, tại viện R ở London, nơi sản xuất các thiết bị chữa bệnh bằng radium đã xuất hiện nhiều cái chết không rõ nguồn gốc. Người ta phải lấy máu của tất cả công nhân tại đây để xét nghiệm bởi những dấu hiệu mang bệnh khác thường không thấy xuất hiện trước khi những người xấu số đột ngột qua đời. Các xét nghiệm trong một thời gian dài cho thấy có những thay đổi về số lượng hồng cầu trong máu. Những người này đều được xác định là có tiếp xúc nhiều với phóng xạ. Thế là không chỉ ở Anh, tại Mỹ, Pháp, Đức... người ta cũng đồng loạt tổ chức các cuộc kiểm tra sức khỏe tại những nơi có sự hiện diện nhiều của phóng xạ. Song song với đó, các cuộc điều tra độc lập khác về tác dụng phụ của các sản phẩm có chất phóng xạ sử dụng trên người cũng được tiến hành. Kết quả các cuộc điều tra này đều cho thấy có sự thay đổi về tế bào máu ở người có tiếp xúc với phóng xạ.

Trong thời gian này, người ta cũng bắt đầu ghi nhận cái chết của một số nhà khoa học có liên quan đến phóng xạ như cái chết vì ung thư da của GS. Dror Sadeh và 3 đồng nghiệp thuộc Viện Weizmann Insstitute (Israen) chuyên nghiên cứu về các chất phóng xạ. Hai nhà nghiên cứu radium người Pháp là Marcel Demalander và Maurice Demitroux cũng đã chết vào năm 1924 sau nhiều tuần chống chọi với bệnh tật. Tiếp đến là cái chết của Irene Joliot Curie, con gái hai nhà khoa học Marie và Pierre Curie vì ung thư máu... Đến lúc này, giới khoa học mới bàng hoàng nhận ra rằng, tác nhân giết người không phải ai khác chính là các nguyên tố phóng xạ.

Nguy hiểm hơn, các báo cáo pháp y về những cái chết của dân thường trong thời gian này cũng ngày càng dài thêm, những trường hợp nghi ngờ có liên quan đến việc tiêu dùng các sản phẩm có bổ sung phóng xạ đang rất được ưa chuộng lúc bấy giờ. Đáng chú ý là cái chết của một nhà tư bản công nghiệp lớn ở Mỹ, Eben Byers, người sáng lập công ty thép nổi tiếng thế giới A.M. Byers. Năm 1928, theo lời khuyên của bác sĩ, Byers đã uống đều đặn 3 chai Radioth - một loại nước bổ sung phóng xạ radium mỗi ngày để cho vết thương của ông mau lành. Đến năm 1930, đang từ một người khỏe mạnh, Byers đã biến thành một bệnh nhân nằm liệt giường với cái đầu trọc lốc, tóc, râu rụng hết, miệng ứa máu. Các bác sĩ tài giỏi nhất  nước Mỹ cùng nền y học tiên tiến bậc nhất thế giới cũng phải bó tay bất lực. Năm 1932, Byers đi vào cõi chết với hàm răng trơ lợi và xương sọ có vài lỗ thủng.

Lật lại hồ sơ tại các bệnh viện của Mỹ trước đó, người ta phát hiện thêm hơn 100 người có bệnh án trước khi chết tương tự như của Byers và tất cả bọn bọ đều "lên đường" đau đớn như Byers. Bản thân William J. Bailey - ông chủ của một nhà máy sản xuất nước phóng xạ, người thường xuyên sử dụng sản phẩm do mình làm ra cũng đã chết vì ung thư bàng quang.

Cả châu Âu khi ấy tràn ngập trong lo sợ trước những báo cáo y tế được công bố. Tất cả đều nhấn mạnh tác hại khủng khiếp của chất phóng xạ - thứ mà trong suốt mấy thập kỳ qua, người dân châu Âu từng coi là một loại thần dược. Có lẽ nào, "thần dược" đã trở thành vật gây chết chóc khủng khiếp nhất?

Lật lại lịch sử hoàng kim của phóng xạ

Từ hàng nghìn năm trước, con người ta đã biết đến tác dụng tích cực của những suối nước nóng đối với sức khỏe nhưng không ai giải thích được chính xác điều gì đã mang lại công năng kỳ diệu đó. Chỉ đến khi tìm ra nguyên tố phóng xạ (năm 1896) người ta mới biết rằng chính phóng xạ đã khiến cho nước trong các dòng suối có nhiệt độ cao và có khả năng chữa bệnh.

Khoảng những năm 1900 - 1903, giới y học ở Pháp, Đức, Anh, Áo, Canada, đặc biệt là những bác sĩ hàng đầu trong quân đội Mỹ đã đưa ra hàng loạt kết quả nghiên cứu chứng tỏ rằng, nguyên tố phóng xạ có thể giúp làm giảm, thậm chí chữa khỏi các chứng bệnh như gút, thấp khớp, đau dây thần kinh, ngộ độc, sốt rét, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ngoài da... Những nghiên cứu này đã khơi mào cho trào lưu "người người dùng phóng xạ, nhà nhà dùng phóng xạ" kéo dài mấy chục năm sau đó tại các nước châu Âu.

Bình lọc nước Radium Vitalizer.

Tại các bệnh viện lớn, liệu pháp phóng xạ bắt đầu được sử dụng và ngày càng trở nên phổ biến để chữa các bệnh da liễu, thậm chí cả ung thư da. Kết quả thu được đều rất khả quan. Trong những năm 1920-1930, cơn lốc sản xuất, sáng chế và áp dụng công nghệ phóng xạ lan tràn khắp châu Âu. Người ta cho ra đời các loại máy hít khí phóng xạ, súng bắn tia phóng xạ... và rất nhiều loại thuốc uống có sự tham gia của chất phóng xạ như tuberadine để chữa bệnh viêm phế quản, digéraldine giúp nhuận tràng, virogadine chống lại mệt mỏi, radiovie chữa các bệnh liên quan tới thần kinh và tâm thần... trong đó loại thuốc radiumcure còn rất nổi tiếng nhờ công dụng giảm đau và chống viêm.

Bên ngoài phòng thí nghiệm và bệnh viện, các nhà tư bản châu Âu cũng đặc biệt quan tâm tới phóng xạ. Họ tung ra thị trường đủ các loại sản phẩm có liên quan đến phóng xạ. Đầu tiên là nước suối nhiễm xạ đóng chai với tên gọi phổ biến là nước radon; rồi các loại bình lọc và các thanh quặng phóng xạ nén dùng để nhúng vào nước uống, có tác dụng biến nước trắng thành nước nhiễm xạ... Người ta quảng cáo rầm rộ rằng nước uống có bổ sung phóng xạ "có tác dụng chữa 18 loại bệnh, làm tan biến hoàn toàn các chứng đau nhức, tăng hồng cầu trong máu, khử độc và giúp tiêu hóa tốt".

Lúc bấy giờ, sức quyến rũ mà nguyên tố phóng xạ phát ra kỳ diệu đến mức bất kỳ sản phẩm nào có chứa chất phóng xạ, đặc biệt là radium - chất phóng xạ mạnh nhất, thì sản phẩm đó sẽ bán rất chạy. Đó có thể là những chiếc hộp thần kỳ (hộp hình ống làm bằng vàng, bạc hoặc bạch kim trong có chứa các muối radium) để chữa các bệnh liên quan tới da và ung thư; những món trang sức bằng vàng, bạc hay kim loại trộn radium dùng để đeo quanh cổ và tay có tác dụng để chữa bệnh thấp khớp; chăn bông, gối bông nhồi quặng uranium để điều trị viêm khớp toàn thân; thuốc chứa radium điều trị các chứng tiêu hóa, cung cấp năng lượng; kem đánh răng chứa radium phòng ngừa bệnh răng miệng, làm trắng răng và nhiều loại sản phẩm khác như kem thoa mặt, xà phòng, cao dán cũng có bổ sung radium.

Có lẽ con người vẫn sẽ cứ tiếp tục mê mải tận hưởng "hương vị" của  "thần dược" phóng xạ nếu như không có những cái chết kinh hoàng kia. Hóa ra, thứ thần dược ấy có tác dụng chữa bệnh thì ít nhưng tác dụng đầu độc chết người thì nhiều. Cuối cùng, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đã phải yêu cầu các nhà sản xuất phải dừng việc kinh doanh các sản phẩm có chứa phóng xạ. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, cơn sốt tiêu dùng phóng xạ ở Mỹ đã kịp cướp đi tính mạng của khoảng hơn 4.000 người.

Tiến Thành ( Theo Recherche )

You can leave a response, or trackback from your own site.

1 Response to "Tội ác của ‘thần dược” phóng xạ"

  1. Unknown says:

    Ngày nay, bệnh gout rất phổ biến, đặc biệt ở người có tuổi và hay sử dụng rượu bia, thực phẩm quá nhiều chất đạm. Việc phát hiện và chữa trị kịp thời bệnh gout vừa giúp bệnh nhân an tâm về tinh thần, vừa giảm thiểu sự tác động đến sức khỏe.Xem thêm: https://chuabenhgut.info/

Post a Comment

Powered by Blogger