Phòng ngừa lên cơn hen suyễn

Hỏi: Mẹ tôi 57 tuổi, bị bệnh hen suyễn. Hiện mẹ tôi uống thuốc và xịt thuốc điều trị mỗi ngày. Nhưng trung bình mỗi năm, mẹ tôi nhập viện điều trị nội trú (uống thuốc, chích, xông thuốc) khoảng 2-3 lần. Xin bác sĩ cho biết về chế độ ăn uống và nghỉ dưỡng phù hợp với bệnh của mẹ tôi.
Trả lời: Hen phế quản (suyễn) là tình trạng viêm kinh niên đường hô hấp, trong đó đường thở bị viêm, phù nề gây khò khè và khó thở cho bệnh nhân. Những yếu tố nguy cơ gây hen phế quản bao gồm một số chất gây dị ứng (thức ăn, thuốc, một số mùi, bụi, khói thuốc lá) hay lo âu, thay đổi thời tiết, nhiễm trùng...

Việc điều trị tốt hen phế quản phải bao gồm: tránh các yếu tố nguy cơ, điều trị tình trạng viêm để tránh co thắt phế quản và phòng ngừa các cơn hen cấp.

Mẹ của bạn đang uống thuốc và xịt thuốc mỗi ngày nhưng vẫn phải nhập viện mỗi năm khoảng 2-3 lần, như vậy là tình trạng hen phế quản của bác chưa thật sự ổn.

Bạn thử áp dụng các biện pháp sau đây:

1/ Bạn để ý xem mỗi lần bác lên cơn hen cấp phải nằm viện là do nguyên nhân nào?:

Thay đổi thời tiết? Ăn phải loại thức ăn nào? Có uống thuốc gì để trị bệnh đau nhức không (có một số thuốc kháng viêm gây cơn hen)? Có điều gì phải lo lắng?

Nếu tìm ra nguyên nhân, bác nên tránh những yếu tố này.

2/ Hiện tại bác đang dùng thuốc gì để trị bệnh hen phế quản?

Bác có được bác sĩ cho cả 2 loại thuốc cắt cơn và ngừa cơn không? Nếu chỉ sử dụng thuốc cắt cơn thì rất dễ bị lên cơn cấp và nhập viện. Thuốc cắt cơn (thuốc viên Theostat hay thuốc xịt Ventolin?), thuốc ngừa cơn (thuốc viên Bambec, thuốc xịt Seretide hay Symbicort?).

3/ Mỗi năm, bác nên chích một mũi thuốc ngừa cúm (tại Viện Pasteur).

4/ Về dinh dưỡng: nên ăn nhiều trái cây và rau (có nhiều chất chống oxy hóa), bạn cũng có thể bổ sung thêm một số chất cho bác như: magnesium (1 viên Magne B6/ngày), vitamin C (1g/ngày), potassium ( Kaleorid Leo 600mg 1 viên/ngày), đồng thời tránh những thức ăn gây cơn hen mà bác biết được.

5/ Bác cố giữ tinh thần vui vẻ, nên tham gia các câu lạc bộ dành cho bệnh nhân hen.

BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Nguyễn Tri Phương là nơi bác có thể gặp nhiều người đồng bệnh để có thể chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tự kiểm soát cơn hen và giới thiệu dụng cụ giúp theo dõi diễn biến cơn hen.

6/ Bác nhớ vận động nhẹ,như đi bộ mỗi ngày 30 phút.

Chúng tôi hy vọng những điều trên đây sẽ góp phần tránh cho bác không bị lên cơn hen thường xuyên và phải nhập viện.

You can leave a response, or trackback from your own site.

1 Response to "Phòng ngừa lên cơn hen suyễn"

  1. Unknown says:

    Bài viết hay và hữu ích! Cám ơn bạn đã chia sẻ.
    Ms Nga – Nghiệp Vụ vé - SacoJet.vn

    Tel: 0938 172 672 - 090 262 1479 – 1900 63 6479
    Chuyên: Đặt vé Vietjet từ Sài Gòn đi du lịch Phú Quốc bằng máy bay A320 đời mới
    Website đặt vé trực tuyến: www.SacoJet.vn

Post a Comment

Powered by Blogger