Đề phòng các bệnh “giao mùa”

Tháng 9-10, mùa tựu trường khi hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới. Tuy nhiên, đáng nói đây cũng là thời điểm giao mùa, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi nên trẻ em với sức đề kháng thấp rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu hóa và một số bệnh dịch lây lan nhanh trong mùa này như sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Vào lúc giao mùa, các bệnh viện thường rất đông các bệnh nhi đến khám

Chị Nguyễn Thu Nga, phường Thành Công, quận Ba Đình có hai con, một bé 3 tuổi và 7 tuổi bắt đầu nhập học vào đầu tháng 9 vừa qua thì cả 2 đều đang nghỉ học vì viêm phổi và sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Nguyễn Bích Liên, phòng khám Nhi 324 đường Láng: Thời điểm này có rất nhiều trẻ đến khám bệnh và nhập viện với các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, sốt siêu vi và tiêu chảy.

Các bệnh đường hô hấp lây cực nhanh trong môi trường tập trung đông, đặc biệt với đối tượng trẻ nhỏ dưới 3 tuổi có sức đề kháng thấp. Bệnh lây nhiễm qua những dịch tiết hô hấp chứa siêu vi bắn ra mỗi khi trẻ bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, khóc la. Siêu vi từ đó bám vào các vật dụng, đồ chơi, lây trực tiếp hay qua tay khi trẻ dùng tay quệt mũi, dụi mắt, mút tay. Triệu chứng chung của bệnh viêm đường hô hấp là sốt, có thể sổ mũi, đau họng nếu viêm họng, viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên nếu không kịp thời điều trị, trẻ dễ bị biến chứng thành viêm phổi, viêm phế quản. Trẻ thường sốt cao, ho có đờm, khó thở. Những trẻ này phải được khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra là do thời tiết đang thay đổi, nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, sáng và chiều tối lạnh trong khi buổi trưa lại nóng. Thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển. Trẻ bắt đầu đi học sẽ có sự thay đổi tâm lý, nhất là trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Các bé đang từ “ở nhà” chuyển sang sinh hoạt “ở trường”, dễ bị biếng ăn lười uống, tâm lý sợ đi học khiến các bé dễ mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút. Trong một lớp học có từ 1-2 trẻ bị bệnh cũng có thể lây sang nhiều trẻ khác.

Để phòng tránh, hiện nay có rất nhiều các phương pháp, trong đó tiêm vacxin được cho là hiệu quả. Bên cạnh đó, biện pháp phòng bệnh quan trọng cho trẻ em nói riêng và người lớn nói chung là luôn giữ ấm chân khi thời tiết chuyển mùa. Cho trẻ mặc quần áo dài khi sáng sớm và chiều tối. Bên cạnh đó cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn hoa quả, dinh dưỡng tốt để tăng cường sức đề kháng.

Đồng thời thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý để đề phòng viêm mũi họng. Rửa tay bằng xà phòng sau khi trẻ chơi đùa, vệ sinh, nghịch bẩn, xì mũi. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh. Vệ sinh nhà cửa, nền nhà, vật dụng, đồ chơi, chăn màn để hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Phụ huynh cần quan tâm đến trẻ khi có dấu hiệu sổ mũi, sốt cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Khi trẻ có dấu hiệu ốm, cần cho trẻ nghỉ học để được chăm sóc, theo dõi và tránh lây lan trong nhà trường.

Trẻ mới đi học cũng có tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu cao. Nguyên do là trẻ sợ tiểu, nhịn tiểu, không uống nước khi ở lớp học. Bệnh này thường gặp nhiều ở các bé gái hơn bé trai. Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường không rõ rệt và dễ bỏ qua như sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân. Nếu để ý sẽ thấy trẻ ít đi tiểu, màu sắc nước tiểu thay đổi hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu lắt nhắt, hay tiểu són trong quần kéo dài. Thông thường nhiễm trùng tiểu cần được xét nghiệm nước tiểu và uống kháng sinh. Do đó cha mẹ cũng cần quan tâm để không bỏ qua những triệu chứng bất thường ở trẻ.

Sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng cũng có nguy cơ xuất hiện và lây lan nhanh trong môi trường nhà trẻ và trường học trong thời điểm giao mùa. Do đó các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý chế độ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu khác thường phải đưa đến cơ sở y tế kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Response to "Đề phòng các bệnh “giao mùa”"

Post a Comment

Powered by Blogger