Quảng cáo chữa bệnh, đôi điều cần nói
Rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh Đông y quảng bá năng lực và phạm vi chữa bệnh của mình với những từ ngữ rất hùng hồn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng đã có không ít quảng cáo có thông tin thiếu chính xác, lừa phỉnh, đánh lạc hướng người dân.
Quảng cáo thuốc chữa bệnh (ảnh có tính chất minh họa).
Trong những năm gần đây, với phương châm xã hội hoá y tế, nhiều cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong nước và ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc, đã được cơ quan chức năng cấp phép hành nghề. Khi đi vào hoạt động, việc nhiều phòng mạch đông y tìm mọi cách quảng bá năng lực và phạm vi chữa bệnh của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng là điều dễ hiểu và cần thiết. Tuy nhiên, chuyện đáng nói là, đã có không ít quảng cáo mang nội dung thiếu tính chính xác, khó hiểu, thậm chí được "thổi phồng" lên một cách quá đáng vì mục đích thương mại. Xin được dẫn ra một số dẫn chứng cụ thể:
Sử dụng thuật ngữ khoa học không chính xác
Có thể nói rất nhiều quảng cáo phạm lỗi này do người dịch, người viết thiếu kiến thức chuyên môn. Ví như việc dùng các thuật ngữ : "hệ thần kinh đại não" trong quảng cáo chữa động kinh (chỉ gọi là đại não hoặc hệ thần kinh trung ương), "viêm phế quản dị ứng, viêm phế quản di truyền" và "vi khuẩn hen suyễn" trong quảng cáo chữa hen và viêm phế quản (không có loại vi khuẩn nào mang tên hen suyễn), "herpes sinh lực" trong quảng cáo chữa herpes (chỉ gọi là herpes sinh dục)...
Dùng các thuật ngữ khó hiểu (ngay cả với giới chuyên môn):
Ví như các thuật ngữ: "miễn dịch cơ nhân" trong quảng cáo chữa bướu cổ, "cảm nhiễm chi nguyên thể", "y nguyên thể" trong quảng cáo chữa sùi mào gà, "miễn dịch đề kháng gien" trong quảng cáo chữa viêm phế quản... Thực ra, những thuật ngữ này có thể tìm hiểu và dịch sang tiếng Việt một cách dễ dàng và dễ hiểu, nhưng xem ra người ta cố ý như vậy để gây "ấn tượng" nhằm thu hút sự chú ý của người bệnh.
Sử dụng các ngôn từ mang tính chất giật gân
Ví như: "các bài thuốc bí quyết cổ truyền phát huy sự thần kỳ của Đông y Trung Quốc", "xoá bỏ căn bệnh động kinh này không phải là điều viễn tưởng nữa" trong quảng cáo chữa động kinh, "Tam đại danh y Trung Quốc phá vỡ liệu pháp truyền thống, sáng tạo cái mới" trong quảng cáo chữa viêm phế quản... Việc sử dụng các ngôn từ này dễ mang lại cho người bệnh một hy vọng không tưởng.
Đưa ra những thông tin không chính xác
Ví như: Tỷ lệ viêm gan ở nước ta hiện nay chiếm 20% dân số (quảng cáo chữa viêm gan), có nghĩa là cứ 10 người Việt Nam thì có tới 2 người bị viêm gan ???. Điều này hoàn toàn không đúng, có chăng đó chỉ là tỷ lệ người lành mang trùng, nghĩa là trong cơ thể có nhiễm mầm bệnh nhưng chưa có tổn thương tế bào gan. Hay "nhuyễn gan thảo hoàn toàn có tác dụng bổ trợ gan, tăng cường khả năng giải độc, tiêu diệt virut". Trên thực tế, hiện nay chưa có thuốc nào có tác dụng tiêu diệt virut!
Khẳng định khả năng trị liệu một cách thái quá, không có tính thực tế, dễ đánh lừa người bệnh vốn không có kiến thức chuyên môn
Rất nhiều quảng cáo mắc lỗi này, với các điệp khúc như nhau: "thông thường chỉ cần 1 - 2 liệu trình, bệnh sẽ thuyên giảm, trị tận gốc" trong quảng cáo chữa hen suyễn, "bất kể bệnh nhân mắc bệnh bao lâu, điều trị đủ liệu trình, bệnh khỏi triệt để" trong quảng cáo chữa phong thấp, viêm đa khớp, "từ 1 đến 2 liệu trình sẽ khỏi bệnh không tái phát" trong quảng cáo chữa cường năng tuyến giáp, "điều trị tận gốc không tái phát" trong quảng cáo chữa hen suyễn, "bệnh nhân phong thấp mãn tính, viêm khớp dạng thấp, mọc gai xương, đau thần kinh toạ, liệt, trúng gió, liệt nửa người, viêm khớp vai, viêm đốt sống cổ, thắt lưng, trúng gió sau sinh đều có hiệu quả. Bệnh nặng, nhẹ, thời gian điều trị ngắn, dùng thuốc trong ngày lập tức có hiệu quả, điều trị 1-2 liệu trình bệnh sẽ khỏi hẳn, không tái phát"... Có thể nói, những căn bệnh nêu trên đều là mạn tính và phức tạp, cho đến nay cả tây y và đông y chỉ có khả năng trị liệu đến mức ổn định và hạn chế tái phát ở một mức độ nào đó, không người thầy thuốc có trình độ và lương tâm nào lại dám khẳng định một cách thái quá như vậy.
Dù vô tình hay hữu ý, những quảng cáo này sẽ gieo cho người bệnh một niềm tin không tưởng và dễ lâm vào tình trạng "tiền mất tật mang".
Xuân Mai
0 Response to "Quảng cáo chữa bệnh, đôi điều cần nói"
Post a Comment