Viêm mũi mùa xuân và thuốc dùng
Không khí lạnh và ẩm ướt mỗi dịp xuân sang là điều kiện thuận lợi cho viêm mũi hoặc viêm mũi xoang dị ứng hoành hành. Bệnh viêm mũi xoang theo mùa gặp ở mọi lứa tuổi. Khi khai thác bệnh, có thể xác định được yếu tố gia đình và di truyền rõ ở 60% số bệnh nhân mắc.
Người bị bệnh có biểu hiện ngứa mũi, phải lấy tay dụi mũi, sau đó hắt hơi từng tràng, thậm chí hàng chục cái. Sau đó xuất hiện chảy nước mũi trong đồng thời với dấu hiệu ngạt tắc mũi, đầu cảm thấy nặng trịch do thiếu oxy. Một số trường hợp bệnh nhân bị đau nhức vùng mặt, trán, chẩm tùy theo vị trí của xoang viêm. Đau đầu trong viêm xoang có thể xuất hiện vào những giờ nhất định như viêm xoang trán hay đau đầu lúc 10-12 giờ, viêm xoang sàng và xoang bướm lại đau vào tối… Bệnh có thể diễn biến kéo dài từ 7 ngày đến 1 tháng, thậm chí hơn nữa đến khi thời tiết của mùa đó ổn định. Những triệu chứng này đều cản trở niềm vui đón xuân của người bệnh. Vậy bạn cần dự phòng như thế nào nếu thường xuyên bị viêm mũi vào mỗi dịp xuân về?
Điều đầu tiên cần nhắc đến là điều trị sớm, tránh những biến chứng có thể xảy ra, cũng như làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn.
Thuốc giảm xuất tiết
Thuốc đầu tay được dùng đến cho các viêm mũi theo mùa là thuốc giảm hiện tượng xuất tiết từ niêm mạc mũi đường uống như nhóm thuốc kháng histamin H1 chọn lọc. Nhóm thuốc này có tác dụng phong bế các thụ thể H1 ở ngoại biên, ức chế phóng thích histamin từ dưỡng bào như chohrpheniramine maleate, loratidine, fexofenadine hydocloride, desloratidine…
Các thuốc kháng histamin được chia làm nhiều thế hệ: I, II, III, IV…
Các kháng histamin thế hệ sau thường không gây buồn ngủ, khắc phục được nhược điểm lớn nhất của thế hệ đầu vì thuốc không thấm được vào thần kinh trung ương và ngoài tác dụng kháng histamin thuốc còn có tác dụng chống dị ứng và chống viêm.
Thuốc kháng histamin thường được dùng kéo dài 2 tuần.
Thuốc hấp thu nhanh và đạt nồng độ tối đa sau uống 1-3 giờ, phân tử thuốc gắn vào protein huyết tương. Nhóm kháng histamin chuyển hóa không đáng kể ở gan và ngoài gan. Chính vì thế thuốc có thể sử dụng được trong những trường hợp có bệnh lý về gan, tuy nhiên cần thận trọng và có thể giảm liều. Người ta vẫn chưa xác định được độ an toàn của thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi.
Thuốc không chuyển hoá ở gan nên không tương tác với các thuốc qua cơ chế gan. Dùng phối hợp với erythromycine hoặc kentoconazole làm tăng nồng độ fexofenadine trong huyết tương gấp 2-3 lần.
Thuốc có một số tác dụng ngoại ý như buồn nôn, đau bụng, buồn ngủ, khó tiêu, mệt mỏi.
Thuốc dự phòng
Bạn cũng có thể sử dụng thuốc dự phòng trước mỗi dịp xuân về 1 tháng. Với singulair (mỗi viên 10mg chứa micocrystalline, cellulose…) chỉ định cho trẻ trên 6 tháng. Singulair được khuyến cáo dùng một lần trong ngày. Trong trường hợp mà tần xuất viêm mũi xuất hiện trên 5 lần một năm có kèm theo viêm phế quản co thắt cần duy trì một năm. Sử dụng loại thuốc này có thể làm giảm tần xuất bị viêm mũi xoang xuất tiết ở trẻ 2-5 tuổi do nhiễm rhinovirus và các virut gây cảm lạnh thông thường khác. FDA cảnh báo bệnh nhân không tự ý ngưng dùng singulair mà không có sự tư vấn của các bác sĩ, đồng thời các bác sĩ phải theo dõi hành vi, tâm trạng và những suy nghĩ bi quan của những bệnh nhân dùng thuốc này.
Thuốc dùng tại mũi
Viêm mũi dị ứng gia tăng nhanh trong mùa xuân.
Thuốc làm săn khô niêm mạc mũi nhóm muối bạc: argyrol, thuốc này dễ bị phân hủy bởi ánh sáng nên thuốc được bọc bởi một lớp giấy than chống ánh sáng và sử dụng mỗi lọ chỉ dưới 10 ngày.
Bạn có thể dùng thuốc chống viêm có corticoid dạng nhỏ như polydexa, collydexa… dùng dưới 7 ngày hoặc steroid xịt tại mũi ngày 2 lần trong vòng hai tuần đến một tháng theo chỉ định và giám sát của thầy thuốc tai mũi họng.
Steroid dạng xịt có thể dùng kéo dài 2 năm. Tuy nhiên phải theo dõi chặt chẽ và hiệu chỉnh liều theo sự tiến triển hoặc suy thoái của bệnh. Thuốc corticoid tại chỗ tuy chỉ có khoảng 2% hấp thu vào máu nhưng nếu không được điều trị đúng phương pháp cũng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như không kích thích vỏ thượng thận tiết hormon làm teo vỏ thượng thận, gây hội chứng biến dưỡng do tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết… hoặc tình trạng quen thuốc do điều trị dở dang.
Thuốc corticoid dùng tại mũi với tính chất chống viêm tại chỗ ở các liều ít có tác dụng toàn thân, trẻ em từ 3-11 tuổi, sử dụng điều trị dự phòng bằng nasonex được khuyên dùng 2-4 tuần trước thời gian dự kiến sẽ xuất hiện viêm mũi.
Không được dùng khi có các nhiễm trùng khu trú.
Lưu ý khi các bệnh nhân đang sử dụng thuốc corticoid đường toàn thân kéo dài chuyển sang đường xịt tại chỗ, có thể dẫn đến suy thượng thận trong một số tháng cho đến khi chức năng của trục tuyến dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận phục hồi. Thận trọng với những bệnh nhân lao, các nhiễm virut toàn thân, vi khuẩn, nấm chưa được điều trị, nhiễm herpes simplex ở mắt. Một số tác dụng ngoại ý như đau đầu, chảy máu mũi, rát mũi, kích ứng mũi, viêm loét mũi.
Liều sử dụng, mỗi nhát xịt cung cấp 50mcg mometasone furoat, lắc kỹ lọ trước mỗi lần dùng. Viêm mũi xoang xuất tiết ở trẻ cũng cần điều trị kịp thời, đúng đắn dưới sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa để tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Và các biện pháp khác
Với tiết xuân lạnh và ẩm như vậy bạn cần giữ ấm mũi họng mỗi khi ra đường bằng cách sử dụng khẩu trang, áo cao cổ. Trong phòng dùng máy xông hơi nước nóng (nếu có điều kiện). Rửa mặt, đánh răng bằng nước ấm…
Tránh ăn các loại thức ăn có nguy cơ dị ứng cao như đồ hải sản: tôm, cua, mực… ăn thức ăn có tẩm ướp nhiều phụ gia như các đồ nướng, quay… vì trong giai đoạn này cơ thể rất dễ mẫn cảm dẫn đến các tình trạng sốc phản vệ do dị ứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
ThS. BS. Phạm Thị Bích Đào
(Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương)
0 Response to "Viêm mũi mùa xuân và thuốc dùng"
Post a Comment