Hợp tác dùng thuốc: Chuyện không nhỏ
Khi được kê đơn dùng thuốc điều trị, người bệnh cần tuân thủ dùng đúng hướng dẫn của bác sĩ thì mới đạt được hiệu quả chữa bệnh cũng như hạn chế tối đa tác dụng phụ do thuốc gây ra. Thế nhưng trong quá trình dùng thuốc ấy, vì nhiều lý do mà người bệnh đã bỏ ngang việc dùng thuốc hoặc dùng thuốc không đúng thời gian của liệu trình... Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh mà còn gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng...
Chị Nguyễn Thị Nhài (Tứ Kỳ - Hải Dương) :
Thi thoảng tôi cũng không tuân thủ
Nuôi con nhỏ phải đối mặt với bệnh tật của các cháu là điều không tránh khỏi, nhất là với các bệnh thường gặp như ho, sốt, viêm phế quản... Có lần con bị ốm như sốt nhẹ hay húng hắng ho tôi thường tự đi mua thuốc cho cháu uống. Nếu các triệu chứng trên nặng lên hoặc không đỡ khi uống thuốc tôi mới cho cháu đi khám bệnh. Trong các đơn thuốc ấy thế nào cũng có kháng sinh và dùng trung bình khoảng 5-7 ngày. Có lần tôi tuân thủ cho con uống đủ liệu trình theo đơn của bác sĩ, nhưng cũng có lần tôi bỏ thuốc vì cảm thấy bệnh của con đã ổn hơn nữa cho trẻ uống thuốc là rất khó khăn. Thường thì khi khám bệnh, kê đơn bác sĩ thường dặn phải khám lại nhưng tôi chỉ thực hiện được điều này khi uống hết thuốc mà bệnh của con chưa khỏi...
BS. Yên Lâm Phúc - Học viện quân y:
Bỏ trị hậu quả khó lường
Trong thực hành điều trị, để trị bệnh thành công một mình thầy thuốc là rất khó mà cần có sự phối hợp (sự hợp tác) chặt chẽ của bệnh nhân, đặc biệt trong vấn đề dùng thuốc. Sự phối hợp này không chỉ giúp điều trị khỏi bệnh mà còn hạn chế hoặc tránh được những hậu quả do thuốc gây ra. Nếu không tuân thủ dùng thuốc một cách chặt chẽ bệnh sẽ không khỏi mà còn gây ra sự kháng thuốc trong cộng đồng, nhất là đối với kháng sinh.
Ví dụ, khi có các nhiễm trùng thường kèm theo sốt và nhất thiết phải dùng đến kháng sinh. Bác sĩ điều trị sẽ cho thuốc với một liệu trình điều trị thích hợp. Nhiều trường hợp thấy mình hết sốt nghĩ là bệnh khỏi nên tự ý bỏ thuốc không dùng nữa. Xét dưới góc độ bệnh lý, hết sốt trong các bệnh truyền nhiễm chỉ là một dấu hiệu bệnh thoái lui chứ chưa khỏi hẳn. Trong trường hợp bệnh do các vi khuẩn gây ra thì việc dừng thuốc kháng sinh không đủ liệu trình mới chỉ làm cho vi khuẩn bị ngộ độc kháng sinh, yếu đi mà chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Vì thế chúng có thể hồi phục tìm cách phân huỷ kháng sinh và kháng lại thuốc này.
Đối với các bệnh mạn tính như đái tháo đường, huyết áp, viêm loét dạ dày tá tràng... nếu bệnh nhân không tuân thủ dùng thuốc sẽ không chỉ khiến cho bệnh tình nặng thêm mà còn gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Việc hợp tác dùng thuốc của bệnh nhân với thầy thuốc còn giúp phát hiện và xử lý kịp thời những tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra mà hậu quả của những tác dụng phụ này đôi khi cũng rất khó lường.
PGS.TS. DS. Nguyễn Hữu Đức - Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh:
Cần giúp người bệnh hợp tác tốt trong dùng thuốc
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ không hợp tác dùng thuốc trị các bệnh mạn tính có dao động từ 20-80% và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận tỷ lệ trung bình là 50%. Tức là có khoảng 1/2 số người trên toàn thế giới đang điều trị một bệnh kinh niên đã bỏ ngang việc dùng thuốc. (Thông báo của WHO năm 2003). Thực trạng này đã trở thành mối quan ngại toàn cầu cho sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, cần có những giải pháp giúp cho người bệnh hợp tác dùng thuốc tốt như:
- Tiếp cận dễ dàng và thuận lợi với thuốc men: Người bệnh rất dễ bỏ cuộc tiếp tục dùng thuốc nếu chế độ dùng thuốc quá phức tạp (như dùng quá nhiều lần trong ngày) hoặc không tiện dụng (dùng dạng tiêm chích thay vì uống) làm người bệnh hoặc ngưng điều trị hoặc thay đổi cách dùng không còn hiệu quả. Hơn nữa giá thuốc cũng rất quan trọng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hợp tác dùng thuốc.
- Tăng cường sự hiểu biết của người bệnh về tình trạng bệnh và chế độ điều trị bằng thuốc: Người bệnh cần biết rõ những điều cơ bản về bệnh của họ và về thuốc để hiểu vì sao phải dùng thuốc. Thuốc sẽ cho tác dụng như thế nào đối với bệnh, phải uống thuốc bao nhiêu lần trong ngày và cần bao nhiêu loại thuốc để chữa khỏi bệnh, khi dùng thuốc có thể bị các tác dụng phụ nào không? Trước hết chính các bác sĩ, dược sĩ là người thích hợp nhất giúp bệnh nhân nâng cao hiểu biết về bệnh tật và thuốc men chữa trị có liên quan.
- Hình thành và củng cố động cơ hợp tác dùng thuốc ở người bệnh: Tức là phải tạo được niềm tin ở người bệnh, muốn chữa bệnh dứt khoát phải hợp tác với thầy thuốc, phải dùng đúng và đủ thuốc. Ở đây rất cần đến mối quan hệ tốt đẹp giữa người bệnh và các thành viên trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Thu Hương (ghi)
0 Response to "Hợp tác dùng thuốc: Chuyện không nhỏ"
Post a Comment